» Today: 28/03/2024
Mechanical Manufacturing
Máy đo nhiệt độ kinh lạc: Chẩn bệnh, bắt mạch bằng máy!
Sau gần 30 năm hoàn thiện và phát triển cũng như được kiểm nghiệm qua thực tế, máy đo nhiệt độ kinh lạc do kỹ sư Đinh Lai Thịnh sáng chế đã thực sự trở thành công cụ hữu ích cho các thầy thuốc Đông y, góp phần làm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc của người bệnh cũng như của Nhà nước.


Gần 30 năm nghiên cứu và các phiên bản máy đo kinh lạc

Tháng 11 năm 2010, Hội đồng KHCN thành phố Hà Nội đã nghiệm thu máy đo nhiệt độ kinh lạc 25 kênh (TS-2010) dùng trong khám chữa bệnh theo y học cổ truyền của kỹ sư Đinh Lai Thịnh (Trung tâm Nghiên cứu và phát triển công nghệ trong y học cổ truyền, thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội) đạt loại Xuất sắc.

Để có được một sản phẩm hoàn thiện gồm thiết bị và phần mềm chẩn bệnh bằng phương pháp “Đo nhiệt độ kinh lạc” như hiện nay, kỹ sư Đinh Lai Thịnh và người thầy của mình là Lương Y Lê Văn Sửu đã mất gần 30 năm nghiên cứu và tìm tòi.

Giải thích về phép chẩn bệnh bằng đo nhiệt độ kinh lạc, anh Thịnh cho biết đã áp dụng một quy luật đơn giản của vạn vật là Công sinh nhiệt thể hiện trong con người. Khi công năng tạng phủ hoạt động tăng thì nhiệt tăng, khi công năng tạng phủ hoạt động giảm thì nhiệt giảm. Sự tăng giảm nhiệt độ ấy thể hiện qua tỉnh huyệt bằng quan hệ kinh lạc. Dùng nhiệt kế điện tử để đo nhiệt độ tỉnh huyệt, thông qua nhiệt độ của từng tỉnh huyệt để đánh giá mức độ hoạt động công năng các tạng phủ khác nhau, là đã đi trên con đường gần nhất, trực tiếp nhất đến bản chất của hiện tượng bệnh tật trong con người.

Từ năm 1983, tại Học viện Quân Y, các bác sỹ đã dùng nhiệt kế điện tử của Liên Xô để đo nhiệt độ mặt da và chẩn đoán, theo dõi điều trị lâm sàng.

Từ chiếc máy đo nhiệt độ đơn chiếc năm 1995, năm 2004, tác giả Đinh Lai Thịnh đã hoàn thiện phần mềm chẩn bệnh bằng phương pháp đo nhiệt độ Kinh Lạc. Sau khi nhiệt độ của 24 điểm huyệt được nhập vào máy tính, phần mềm tự động tính toán số đo rồi đưa ra chẩn đoán bằng cách so sánh với các mô hình bệnh lý có trong cơ sở dữ liệu. Toàn bộ số đo của mỗi bệnh nhân đều được lưu lại trong phần mềm để so sánh với những lần đo tiếp sau nhằm đánh giá hiệu quả của việc chữa trị.

Phần mềm phiên bản 2.0 và máy Đo Kinh Lạc Model TS – 208 đã ra đời năm 2008. Theo đó, để đo nhiệt độ kinh lạc cho 1 bệnh nhân chỉ mất khoảng từ 3-5 phút đã có thể cho ra kết quả chẩn đoán ban đầu. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì theo Tứ chẩn của Đông y (Văn chẩn, Vấn chẩn, Vọng chẩn, Thiết chẩn), để khám cho một bệnh nhân chúng ta phải mất từ 60-90 phút. Mặt khác thời gian đo nhiệt độ càng rút ngắn thì kết quả chẩn bệnh càng chính xác do cơ thể ít bị tác động của môi trường, ngoại cảnh.

Với phiên bản TS-2010, dựa trên nguyên lý hoạt động của máy TS – 208 nhưng có thể đo nhiệt độ đồng thời tại 25 điểm. Thực chất, kênh thứ 25 này để đo nhiệt độ môi trường, song hành với 24 điểm đo ứng với 12 kinh mạch trong cơ thể người bệnh cùng một lúc. Kết quả kiểm chuẩn thiết bị cho thấy, TS-2010 có độ chính xác cao với sai số tối đa là 0,05 độ C, cao hơn nhiều so với các kết quả đo bằng nhiệt kế thủy ngân, nhiệt kế điện tử. Bên cạnh đó, TS-2010 có thể kết nối trực tiếp với máy tính thông qua phần mềm phiên bản 3.0 giúp thầy thuốc không phải nhập từng thông số nhiệt độ như trước đây.

 
Phần mềm phiên bản 2.0 và máy Đo Kinh Lạc Model TS – 208

Hiện nay, phần mềm và máy “Đo nhiệt độ kinh lạc chẩn bệnh” đã được triển khai bằng cả ba cách: dùng máy đo đơn chiếc, đo tỉnh huyệt ghi số, nạp vào máy tính toán và in ra kết quả chẩn bệnh, dùng máy 1 đầu đo kết nối với máy tính, máy tính toán và in ra kết quả chẩn bệnh, dùng máy 25 đầu đo, cùng một lúc đo 24 điểm huyệt của 12 đường kinh trên mười đầu ngón tay, ngón chân sau đó kết nối với máy tính thông qua phần mềm để đưa ra kết quả chẩn đoán và theo dõi bệnh.

Trên thực tế, các loại máy này hiện đang được dùng để chẩn bệnh tại một các tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Hoà Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng, Đà Lạt, Hưng Yên, Thanh Hoá, TP Hồ Chí Minh,Yên Bái, Vĩnh Phúc… và trên thế giới như Kiep ( Ucraina), Lahabana (Cuba).

Mong muốn hiện đại hoá nền y học cổ truyền

Có thể cụm từ chẩn bệnh bằng máy đo kinh lạc nghe có vẻ xa lạ với nhiều người. Nhưng trên thực tế, có thể hiểu một cách nôm na đó là cách chẩn bệnh bắt mạch bằng máy. Kỹ sư Đinh Lai Thịnh cho biết, với việc nghiên cứu hoàn thiện máy đo nhiệt độ kinh lạc chẩn bệnh, anh mong muốn sẽ góp một phần công sức vào công cuộc cải tiến và hiện đại hoá nền y học cổ truyền Việt Nam.

Phương pháp đo nhiệt độ kinh lạc là một phương pháp hiện đại nhưng đơn giản, nhanh gọn và có độ chính xác cao. Thiết bị của máy đo kinh lạc không gây độc hại cho thầy thuốc cũng như người bệnh, không ảnh hưởng đến môi trường. Nó đã góp phần hiện đại hóa Y học Cổ truyền. Mục đích của việc phát triển hệ thống là hiện đại hoá lý luận Đông y, đơn giản hệ thống lý luận phức tạp để giúp nhiều người học và làm được.

Hiện tại, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ trong Y học Cổ truyền của anh Thịnh đã mở phòng khám chẩn trị y học cổ truyền bằng máy đo kinh lạc tại Hà Nội. Một bệnh nhân ở Hà Nội, bị u não từ nhiều năm nay. Vì tuổi cao, sức yếu, bác không muốn mổ u não, sợ ảnh hưởng tới sức khoẻ. Sau khi được khám và điều trị tại Trung tâm, khối u đã teo lại, bệnh nhân hoàn toàn có thể tự chủ và sinh hoạt bình thường.

 
Kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội,
ông Đinh Lai Thịnh Chi hội trưởng Chi hội Trung tâm NC&PT công nghệ trong YHCT
được bầu chọn là 1 trong 36 trí thức trẻ Hà Nội

Ngoài ra, trung tâm còn mở phòng khám trực tuyến tại địa chỉ trang web: www.dokinhlac.com.vn. Anh Thịnh và các lương y ở Trung tâm đã trực tiếp tư vấn, chẩn bệnh cho người bệnh thông qua trang web trên. Người bệnh ở khắp mọi miền Tổ quốc chỉ cần điền đầy đủ thông tin lên bảng tên sẽ được các lương y tư vấn hướng điều trị.

“Tôi hy vọng rằng phòng khám trực tuyến của Trung tâm sẽ giúp các bệnh nhân chẩn bệnh nhanh, chính xác, có cơ hội được chữa trị sớm và bớt đi những khoản chi phí đi lại tốn kém, giảm bớt thời gian chờ đợi khám bệnh và lấy kết quả”. - Kỹ sư Đinh Lai Thịnh cho biết.

Sâu xa hơn trong việc nghiên cứu và tìm tòi ra cách chẩn bệnh, bắt mạch bằng máy đo kinh lạc, kỹ sư Đinh Lai Thịnh luôn ấp ủ bảo vệ và phát triển nền y học cổ truyền của đất nước, duy trì vốn văn hoá truyền thống của dân tộc. Như Đại sư tổ Tuệ Tĩnh đã nói:

“Tôi tiên sư kính đạo tiên sư

Thuốc nam Việt chữa người nam Việt”

Máy đo Kinh Lạc được làm ra với mục đích giúp đỡ các thầy thuốc Đông y trong việc chẩn đoán bệnh nhưng Trung tâm của kỹ sư Thịnh không bán máy theo chiều hướng kinh doanh, ai muốn mua cũng được. Trung tâm chỉ bán máy cho những người có bằng chứng nhận học Đông y.

Sau gần 30 năm hoàn thiện và phát triển cũng như được kiểm nghiệm qua thực tế, máy đo kinh lạc đã thực sự trở thành công cụ hữu ích cho các thầy thuốc Đông y, góp phần làm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc của người bệnh cũng như của Nhà nước.

Nhưng trên thực tế, từ một chiếc máy sáng chế của ngành khoa học công nghệ muốn trở thành một thiết bị y tế được sử dụng rộng rãi trong hệ thống các bệnh viện, cũng cần một chặng đường dài ở phía trước với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng. Chắn chắn, nếu được ứng dụng một cách rộng rãi trong y tế, máy đo kinh lạc sẽ nâng cao được công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Thu Hằng
Follow Theo Tuyengiao.vn (ltnhuong)
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication