» Today: 24/04/2024
Social-Humanities
Phương pháp dạy học hợp tác: Tăng tính chủ động tích cực của người học
Ngoài phương pháp dạy học theo hướng cá thể hóa và dạy học tích cực, dạy học hợp tác cũng là một phương pháp dạy không ngoài mục đích phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh (HS) và gắn kết mối quan hệ tương tác giữa thầy và trò trong một tiết học cụ thể. Phong cách dạy và phong cách học.


Trước khi đề cập tới phương pháp và kỹ thuật dạy học hợp tác, chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn về khái niệm: Thế nào là phong cách học và thế nào là phong cách dạy? Trước hết về phong cách học, đây là khái niệm chỉ phương pháp học tập khuyến khích sự suy nghĩ độc lập, sáng tạo và cải tiến, xây dựng cho HS những kỹ năng quý báu để có thêm nhiều lợi thế về năng lực và chuyên môn. Phong cách học có thể chia ra làm bốn thao tác: hoạt động, quan sát, phân tích và ứng dụng. Nếu hoạt động là bước đầu tiên khám phá trải nghiệm và làm thử thì thao tác quan sát là thông qua các hình ảnh để có được kết luận chính xác. Từ quan sát, người học mới có khả năng phân tích qua nghiên cứu tài liệu và tự thân suy nghĩ. Áp dụng vào bài tập thực hành là bước cuối cùng có vai trò hỗ trợ cho những thao tác trước đó. Khi được hình ảnh hóa phong cách học theo một hình tròn thì bốn thao tác này như một vòng khép kín được chia ra bốn phần trên mặt phẳng của một chiếc đồng hồ.

Điều này cho thấy thao tác áp dụng vừa là bước cuối cùng nhưng nó cũng chính là sự tiếp nối cho thao tác hoạt động giống như trục quay liên tục của ngày và đêm, của bốn mùa: xuân - hạ - thu - đông.

Còn về phong cách dạy, mỗi giáo viên đều có một phong cách dạy của riêng mình nhưng nói gì thì nói, phong cách dạy có hiệu quả nhất là khi kích thích được tính chủ động, kích thích khả năng quan sát của học trò. Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ, nếu người thầy không kích thích được năng lực phân tích - suy nghĩ và năng lực áp dụng của HS. Bốn yêu cầu này tuy không đồng nhất nhưng nó cũng là một phần “bản sao” của bốn thao tác học tập như đã trình bày ở trên.

Kỹ thuật dạy học hợp tác

Nói về dạy học tích cực thì đây là phương pháp giúp cho HS chủ động và sáng tạo. Muốn có một kết quả mỹ mãn, giáo viên phải yêu thương thật lòng, làm việc theo mệnh lệnh của trái tim và xúc cảm. Yêu thương đó chính là một que diêm đốt cháy lên bầu không khí thương yêu trong lớp học. Phải tạo nên được mối quan hệ giữa lớp - nhóm hoặc giữa các nhóm với nhau. Bài giảng sẽ có giá trị thực tế chân thật hơn khi giáo viên dạy học tích cực phù hợp với mức độ phát triển của HS trong lớp. Ngược lại, dạy học tích cực sẽ buồn tẻ, đơn điệu khi giáo viên không biết đa dạng hóa các hoạt động trong lớp, chỉ lặp đi lặp lại cái đã cũ mòn. Điều đó cũng có nghĩa là bó hẹp chân-trời-tự-do-sáng-tạo của người học.

Ma trận về mối quan hệ giữa sự hỗ trợ của giáo viên và nhu cầu HS đã cho thấy rõ hiệu ứng của cách dạy học tích cực hợp tác. Dù nhu cầu nhiều hay ít nhưng nếu giáo viên hỗ trợ ít thì các em sẽ học tập tích cực hơn. Ngược lại, nếu giáo viên hỗ trợ làm thay, “cầm tay chỉ việc” cho HS quá nhiều thì kết quả là người học sẽ đi đến nhàm chán. Trong kỹ thuật “các mảng ghép”, chủ đề đơn giản nên các nhóm chỉ cần số lượng dưới 10 người (tốt nhất từ 5-6 người) chỉ cần nắm được ý trả lời là đủ. Trong khi đó, với kỹ thuật “khăn trải bàn” do chủ đề khó hơn nên HS phải biết hợp tác chặt chẽ và có kỹ năng diễn đạt tự tin hơn. Kỹ thuật KWL trước hết khẳng định điều bạn đã biết về một chủ đề nào đó (Know). Từ đây sẽ xác định điều bạn muốn biết về một chủ điểm (Want) và ghi lại những điều bạn vừa học được (Learn). Ngoài ra, kỹ thuật “học theo góc” và sơ đồ tư duy (mạng phân nhánh) còn giúp HS biết lựa chọn hoạt động và trải nghiệm khám phá tốt hơn.

Tóm lại, dạy học hợp tác không ngoài mục đích định hướng, kích thích học tập tích cực, tăng cường hứng thú thoải mái, đào sâu kiến thức, hiệu quả vững bền cho HS. Điều chỉnh được hoạt động dạy, người thầy sẽ tạo nên được mối quan hệ tương tác giữa thầy và trò, tạo điều kiện tốt nhất để các em góp sức mình một cách tốt nhất vào bài giảng.

 

http://www.giaoduc.edu.vn (ntdinh)
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication