» Today: 28/03/2024
Legal Document
Quyền tác giả và Bảo hộ quyền tác giả - Những quy định hiện hành
Quyền tác giả tại Việt Nam đã được quy định chi tiết trong Bộ luật Dân sự 2005, Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 100/NĐ-CP/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan. Những năm qua, pháp luật về quyền tác giả đã phát huy tác dụng tích cực trên các lĩnh vực. Dưới đây là một số quy định hiện hành xung quanh vấn đề này.


LỊCH SỬ LẬP PHÁP VỀ QUYỀN TÁC GIẢ

Ngay từ bản hiến pháp đầu tiên vào năm 1946, Nhà nước Việt Nam đã ghi nhận những quyền cơ bản của công dân liên quan đến quyền tác giả. Nó thể hiện tư tưởng tiến bộ, nhân văn về con người. Đó là quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản của công dân; là việc Nhà nước cam kết bảo vệ quyền lợi của trí thức; tôn trọng quyền tư hữu tư nhân về tài sản. Tư tưởng lập pháp đó đã tiếp tục được thể hiện tại Hiến pháp 1959, 1980 và Hiến pháp 1992 đang có hiệu lực thi hành.

Năm 1986 với Nghị định số 142/HĐBT, lần đầu tiên ở Việt Nam, một văn bản riêng biệt về quyền tác giả đã được ban hành với một số quy định cơ bản, ban đầu về quyền tác giả với sự giúp đỡ của hãng VAB(hãng bảo hộ quyền tác giả thuộc Liên Xô trước đây). Trước yêu cầu của phát triển, ngày 02 tháng 12 năm 1994, Ủy Ban thường vụ Quốc hội khóa IX đã thông qua Pháp lệnh về quyền tác giả. Tại kỳ họp thứ 8 Khóa IX, ngày 28 tháng 10 năm 1995, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Bộ Luật Dân sự, trong đó có các quy định về quyền tác giả. Với 36 Điều quy định riêng về quyền tác giả tại Chương I, Phần thứ 6 và phần thứ 7 Bộ Luật Dân sự, nó đã điều chỉnh hầu hết các quan hệ dân sự về quyền tác giả trong điều kiện đất nước chuyển đổi cơ chế quản lý từ tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Việc ra đời của Bộ Luật Dân sự, với các quy định về quyền tác giả là một bước tiến dài về hoạt động lập pháp ở Việt Nam trong lĩnh vực này, có sự giúp đỡ của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO).    Nó đã tiếp thu những giá trị tiến bộ từ những văn bản pháp luật đã qua kiểm nghiệm trong cuộc sống, về cơ bản phù hợp với chuẩn mực chung của thế giới. Đồng thời nó đã phản ánh được xu thế phát triển quyền tác giả ở Việt Nam.  

Để đáp ứng yêu cầu mới về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia, đặc biệt là yêu cầu hội nhập quốc tế, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI đã thông qua dự án Luật Sở hữu Trí tuệ. Luật này điều chỉnh các quan hệ sáng tạo và vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng mới, có hiệu lực từ ngày 1/7/2005.

Ngày 19/6/2009, Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự, trong đó có các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cả hai đạo luật này đều có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu Trí tuệ đã sửa đổi điều 26.33 Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 về giấy pháp luật định, trong đó quy định nghĩa vụ trả nhuận bút thù lao theo thỏa thuận hoặc theo quy định của chính phủ; nâng thời hạn bảo hộ quyền tác giả thành 75 năm, đối với các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuận ứng dụng, tác phẩm khuyết danh kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu hoặc 100 năm kể từ khi được định hình, nếu hết thời hạn 25 năm kể từ khi tác phẩm được định hình mà vẫn chưa được công bố. Thời hạn bảo hộ tác phẩm sân khấu được tính theo nguyên tắc đời người; bổ sung quyền nhập khẩu bản gốc và bản sao ghi âm, ghi hình; làm rõ quyền tác giả đối với tác phẩm khuyết danh. Các sửa đổi trên đã đáp ứng yêu cầu.

BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN      

Được hiểu là việc Nhà nước ra các quy định pháp luật về các quyền, các giới hạn quyền và một số ngăn cấm các hành vi xâm phạm quyền của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng nhằm bảo đảm những quyền lợi hợp lý và chính đáng của họ đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng. Để hoàn thiện khả năng bảo hộ pháp lý và tính hiệu lực của các quyền này, Nhà nước quy định các chế tài phù hợp và áp dụng các biện pháp thực thi về hành chính, dân sự, hình sự nhằm chống lại các hành vi trái pháp luật. Ngoài ra, nhà nước còn ban hành các quy định về địa vị pháp lý của hệ thống quản lý hành chính, thẩm quyền của các cơ quan thực thi tại thị trường nội địa, cửa khẩu, biên giới; hệ thống tư pháp để xét xử các vụ án xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Hệ thống hỗ trợ thực thi bao gồm các tổ chức đại diện tập thể và các tổ chức tư vấn, dịch vụ về quyền tác giả, quyền liên quan. Hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm các quy định trong Hiến pháp, Bộ Luật dân sự, Luật Sở hữu Trí tuệ, Bộ Luật hình sự, Luật báo chí, Luật Xuất bản, Luật Di sản Văn hóa, Luật Điện ảnh, Luật hải quan, Pháp lệnh Quảng cáo, Pháp lệnh thư viện, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

CHỦ SỞ HỮU QUYỀN TÁC GIẢ ĐỒNG THỜI LÀ TÁC GIẢ

Được hiểu là người có quyền tài sản đối với tác phẩm. Theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì, chủ sở hữu quyền tác giả đồng thời là tác giả khi tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm. Theo đó, tác giả sẽ có các quyền nhân thân và các quyền tài sản với tác phẩm do mình sáng tạo.

CHỦ SỞ HỮU QUYỀN TÁC GIẢ KHÔNG ĐỒNG THỜI LÀ TÁC GIẢ         

Được hiểu là người có quyền tài sản đối với tác phẩm, nhưng không phải là tác giả sáng tạo tác phẩm. Pháp luật Việt Nam quy định chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả trong các trường hợp là: tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả; người thừa kế; người được chuyển giao quyền; Nhà nước, trong trường hợp tác phẩm còn thời hạn bảo hộ, không có người thừa kế, người thừa kế từ chối di sản, hoặc không được quyền nhận di sản.

CHỤP ẢNH  

Chụp ảnh là việc định hình sự vật và hiện tượng của thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc dưới định dạng kỹ thuật số. Sản phẩm của việc chụp ảnh là tác phẩm nhiếp ảnh được bảo hộ quyền tác giả nếu nó thỏa mãn các điều kiện quy định của luật quyền tác giả. Chụp ảnh còn có sao chép tác phẩm trong trường hợp chụp lại một phần hoặc toàn bộ tác phẩm được bảo hộ

Xem thêm các mục Vi phim, Tác phẩm nhiếp ảnh, Sao chụp

LOẠI HÌNH TÁC PHẨM ĐƯỢC BẢO HỘ          

Loại hình tác phẩm được bảo hộ là các khách thể của quyền tác giả. Nó là kết quả của hoạt động sáng tạo được kết tinh thành tác phẩm, được bảo hộ theo quy định tại Điều 2 Công ước Berne, Điều 10 Hiệp định Trips. Bộ Luật Dân sự, Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đã quy định rõ các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ phù hợp với chuẩn mực quốc tế, gồm: tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; tác phẩm báo chí; tác phẩm âm nhạc; tác phẩm sân  khấu; tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự; tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dựng; tác phẩm nhiếp ảnh; tác phẩm kiến trúc; bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học; tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

QUYỀN TÀI SẢN (KINH TẾ)        

Quyền tài sản của quyền tác giả bao gồm các quyền mang tính chất tài sản. Tổ chức cá nhân được hưởng quyền tài sản, có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác khai thác sử dụng các quyền này. Theo thông lệ, loại trừ những trường hợp giới hạn quyền được luật quyền tác giả quy định thì, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền cho phép hoặc ngăn cấm việc khai thác, sử dụng tác phẩm của mình; đặt điều kiện thanh toán nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác đối với việc khai thác, sử dụng tác phẩm trong thời hạn bảo hộ. Quyền tài sản bao hàm các quyền sao chép tác phẩm để phân phối  đến công chúng, truyền thông tác phẩm đến công chúng bằng cách biểu diễn, phát sóng hữu tuyến hoặc vô tuyến kể cả truyền trên internet; tiến hành dịch hoặc bất kỳ hình thức phóng tác nào,v.v… .

QUYỀN YÊU CẦU ĐƯỢC BẢO HỘ        

Là quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hơp pháp của mình theo quy định pháp luật khi bị xâm hại. Việc nộp đơn đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận cũng là tự bảo vệ quyền hợp pháp của mình. Trường hợp được cấp giấy chứng nhận, thì tổ chức, cá nhân đăng ký không phải chứng minh quyền của mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Các chủ sở hữu quyền có thể nộp đơn đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền của mình trong các hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa vi phạm quyền tác giả tại thị trường nội địa, cửa khẩu hải quan, biên giới.  Tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, chủ thể quyền có thể nộp đơn tại tòa án, để yêu cầu được giải quyết, yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tác giả, chủ sở hữ quyền tác giả có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm, phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.

TÁC GIẢ LÀM THUÊ         

Là người sáng tạo ra một tác phẩm theo hợp đồng hoặc làm việc công cho người tuyển dụng. Theo luật, các quyền tác giả, các quyền tài sản đối với tác phẩm trong các trường hợp như vậy, thuộc về người tuyển dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Một số luật để mở vấn đề này cho các bên quyết định và thể hiện trong bản hợp đồng của họ; hoặc là quy định cụ thể về quyền tác giả trước hết thuộc người tuyển dụng hoặc được chuyển giao cho người tuyển dụng khi hoàn thành những nghĩa vụ của người làm thuê. Theo luật quyền tác giả của Cộng hòa Pháp, hợp đồng làm công không bao hàm bất kỳ ngoại lệ nào về việc hưởng quyền tác giả của tác giả. Còn luật quyền tác giả của Brazil thì, quyền tác giả đối với những tác phẩm được sáng tạo theo hợp đồng làm công cũng có thể thuộc về cả hai người tuyển dụng và người làm thuê. Các luật quyền tác giả thường hay giới hạn phạm vi quyền mà người tuyển dụng được hưởng theo hợp đồng, trong chừng mực cần thiết đối với hoạt động thông thường của người tuyển dụng đó như Luật quyền tác giả cảu Liên Hiệp Vương Quốc Anh, Ấn Độ. Luật quyền tác giả của Êcuado quy định tác giả làm thuê được hưởng lợi từ việc khai thác.

HỢP ĐỒNG CHUYÊN GIAO QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN       

Hợp đồng chuyển giao quyền tác giả là thỏa thuận bằng văn bản giữa một bên là tác giả, chủ sỡ hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan với một bên là cá nhân, tổ chức khác về việc chuyển quyền sở hữu quyền tác giả, quyền sở hữu quyền liên quan bao gồm các quyền tài sản và các quyền nhân thân có thể chuyển giao. Theo Luật Sở hữu Trí tuệ và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Việt Nam thì, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có quyền chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản cho người khác theo hợp đồng bằng văn bản, phù hợp với quy định của pháp luật.

HỢP ĐỒNG SÁNG TẠO TÁC PHẨM       

Hợp đồng sáng tạo tác phẩm là thỏa thuận bằng văn bản giữa một bên là tác giả, với một bên là tổ chức, cá nhân khác về việc sáng tạo tác phẩm. Hợp đồng sáng tạo tác phẩm là cơ sở để xác định tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng sáng tạo với tác giả, đầu tư tài chính và các điều kiện vật chất khác cho hoạt động sáng tạo của tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm do tác giả sáng tạo theo hợp đồng.

HỢP ĐỒNG SỬ DỤNG TÁC PHẨM         

Hợp đồng sử dụng tác phẩm là thỏa thuận giữa một bên là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả với một bên là tổ chức, cá nhân khác về việc khai thác, sử dụng tác phẩm để cải biên, chuyển thể, dịch, phóng tác, biên soạn, tuyển tập, hợp tuyển, chú giải … hoặc để xuất bản, sản xuất phim, biểu diễn, sản xuất bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, dàn dựng tác phẩm sân khấu v.v…. Theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Việt Nam thì, hợp đồng sử dụng tác phẩm phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận riêng hoặc pháp luật có quy định khác. Hợp đồng sử dụng tác phẩm phải thể hiện các cam kết chính thức về hình thức sử dụng tác phẩm, phạm vi, thời hạn sử dụng tác phẩm, mức nhuận bút, thù lao và phương thức thanh toán , trách nhiệm của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng

HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa một bên là chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan với các tổ chức, cá nhân khác về quyền liên quan với các tổ chức, cá nhân khác về việc chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền tài sản theo hợp đồng. Các bên có thể cam kết chuyển nhượng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và quyền nhân thân có thể chuyển giao. Các quyền nhân thân không được chuyển nhượng trừ quyền công bố tác phẩm. Trong trường hợp có đồng sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan thì việc chuyển nhượng phải có sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu. Trong trường hợp có thể tách biệt các quyền thuộc quyền tác giả, quyền liên quan một cách riêng rẽ, độc lập dựa trên bản chất của khách thể quyền hoặc trên cơ sở thỏa thuận giữa các đồng chủ sở hữu, các đồng chủ sở hữu có thể chuyền nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.   

Theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Việt Nam thì, hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan phải được lập thành văn bản, với các cam kết chính gồm tên và đại chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng, căn cứ chuyển nhượng, giá, phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ cảu các bên, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

KẾT THÚC THỜI HẠN BẢO HỘ  

Là sự chấm dứt thời hạn bảo hộ, điều đó có nghĩa là chấm dứt khoảng thời gian tồn tại của quyền tác giả, quyền liên quan được pháp luật quy định. Thời hạn bảo hộ không thể là vô hạn. Luật pháp chỉ quy định một khoảng thời gian, một thời hạn nhất định để chủ thể quyền được hưởng sự bảo hộ. Thuật ngữ này chỉ sự chấm dứt thời hạn bảo hộ. Kể từ khi kết thúc thời hạn bảo hộ thì quyền tác giả, quyền liên quan thuộc công cộng, các tổ chức, cá nhân có quyền tự do khai thác, sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan, tuy nhiên phải tôn trọng các quyền đứng tên, quyền đăt tên, quyền bảo vệ toàn vẹn của tác phẩm, không được sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại tới danh dự và uy tín cảu tác giả.

 KHAI THÁC QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN           

Là việc chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan tự thực hiện hoặc cho phép các tổ chức, cá nhân khác sử dụng các quyền độc quyền về tài sản thuộc quyền tác giả, quyền liên quan bằng việc cho phép công bố, làm tác phẩm tái sinh, triển lãm, sao chép, phân phối, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng tới công chúng để thu được tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác.

KHAI THÁC TÁC PHẨM , CUỘC BIỂU DIỄN, BẢN GHI ÂM, GHI HÌNH, CHƯƠNG TRÌNH PHÁT SÓNG           

Là việc thương mại hóa các quyền thuộc quyền tác giả đối với tác phẩm nhằm mục đích thu lợi bằng việc cho phép công bố, làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn, triển lãm, sao chép, phân phối hoặc truyền đạt đến công chúng. Tương tự như vậy, khai thác cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng là việc thương mại hóa các quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích sinh lời bằng việc cho phép định hình, sao chép, phân phối, biểu diễn hoặc truyền đạt đến công chúng. Việc khai thác tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng sẽ phát sinh lợi ích kinh tế. Đó là các khoản tiền nhuận bút, thù lao và các lợi ích vật chất khác

QUYỀN ĐỨNG TÊN           

Quyền đứng tên là quyền của tác giả sáng tạo ra tác phẩm. Đó là việc đưa tên mình là tác giả lên bản gốc và các văn bản sao tác phẩm hoặc bằng cách chỉ ra tên tác giả khi các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm.     

Quyền đứng tên tác giả được hiểu bao hàm việc đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, phổ biến, sử dụng. Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nma quy định quyền đứng tên tác giả trên tác phẩm là một trong các quyền nhân thân của tác giả, không thể chuyển giao cho người khác và được bảo hộ vô thời hạn.

 QUYỀN ĐỘC QUYỀN       

Quyền độc quyền là quyền của tác giả đối với các quyền tài sản theo quy định của pháp luật quyền tác giả. Chủ sở hữu quyền tác giả có độc quyền thi hành quyền này hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện đối với một tác phẩm cụ thể. Giấy phép do chủ sở hữu quyền tác giả cấp cho việc sử dụng tác phẩm có thể là một, một số hoặc bao gồm tất cả các quyền độc quyền. trong một số trường hợp sử dụng đặc biệt, theo Công ước Berne và Công ước quyền tác giả toàn cầu (UCC), luật pháp quốc gia có thể áp đặt những hạn chế về việc thi hành các quyền độc quyền bằng hình thức giấy phép bắt buộc hoặc giấy phép luật định.

TS. VŨ MẠNH CHU - Cục trưởng Cục bản quyền tác giả
Follow Nhanhieuviet.gov.vn (lntkhanh)
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication