» Today: 19/04/2024
Intell & Life
Chương trình 68: Nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm bằng sở hữu trí tuệ
Một trong những thành tựu đáng kể sau 5 năm thực hiện, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì (Chương trình 68 giai đoạn 2005-2010) đó là bước đầu định hình việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ (SHTT) nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm.


Cầu nối vươn ra thế giới

Chương trình đã có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ. Một số nội dung đã thực hiện tương đối tốt, mang lại hiệu quả rõ rệt như hỗ trợ xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, đặc biệt là đối với các đặc sản địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo số liệu thống kê tại Cục SHTT, hiện đã có 53 đặc sản nổi tiếng (37 sản phẩm nông, lâm, hải sản; 11 sản phẩm thủ công, làng nghề; 4 sản phẩm thủy sản và 1 dịch vụ) của 42 địa phương trong cả nước đã và đang được hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ dưới các dự án khác nhau như về xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (bưởi Đoan Hùng, nho Ninh Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột, sâm Ngọc Linh, cói Nga Sơn, thanh long Bình Thuận, nón lá Huế...); tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (hoa Đà Lạt, đá mỹ nghệ Non Nước, nước mắm Cát Hải...); quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể (chè Thái Nguyên, hồ tiêu Chư Sê, tỏi Lý Sơn, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim...).

Điều đáng nói, nhờ có sở hữu trí tuệ mà cụ thể là xác định rõ chỉ dẫn địa lý một số đặc sản của Việt Nam đã có cơ hội vươn ra các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Pháp… Có thể kể đến trường hợp thanh long Bình Thuận. Sau khi sản phẩm này được hỗ trợ đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý, đã có 11 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, 4 cơ sở đóng gói được cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu thanh long qua Mỹ. Hay như sản phẩm vải thiều Lục Ngạn sau khi được cấp và công bố Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhiều nhà phân phối sản phẩm trong và ngoài nước đã đến khảo sát, tìm hiểu khả năng phối hợp với địa phương để đưa sản phẩm đúng nguồn gốc xuất xứ ra thị trường. Gần đây nhất, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) đã ký kết và đưa sản phẩm vải Lục Ngạn vào hệ thống siêu thị và một số kênh phân phối khác của HAPRO…

Nhiều điểm mới trong “chương trình 68” giai đoạn 2011- 2015

Phát huy những kết quả đạt được, Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt theo Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 6/12/2010 với nội dung hỗ trợ rộng hơn và cơ chế quản lý linh hoạt hơn. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015, phấn đấu đáp ứng 70% yêu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ về nâng cao nhận thức về SHTT; đáp ứng 70% yêu cầu của các trường đại học, tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đáp ứng 70% yêu cầu của các địa phương về hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) đối với các đặc sản của địa phương; đáp ứng 50% yêu cầu về hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp.

So với giai đoạn 2005-2010, Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015 có nhiều điểm mới: Thành lập và đưa vào hoạt động các tổ chức hỗ trợ phát triển TSTT; Hỗ trợ xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý, kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị TSTT; Hỗ trợ khai thác thông tin Khoa học - Công nghệ và SHTT phục vụ nghiên cứu, triển khai, sản xuất và kinh doanh; Hỗ trợ áp dụng các sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam phục vụ hoạt động nghiên cứu, triển khai, sản xuất và kinh doanh; Hỗ trợ triển khai các chương trình, hoạt động bảo vệ quyền SHTT, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, sử dụng trái phép các đối tượng SHTT; Hỗ trợ tổ chức, triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển TSTT.

Về cơ chế quản lý, Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015 chỉ rõ và quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thường trực chương trình (Cục Sở hữu trí tuệ) và cơ quan quản lý dự án ở địa phương (Sở Khoa học và Công nghệ). Cơ quan quản lý dự án ở địa phương có nhiệm vụ triển khai các hoạt động chung ở địa phương với kinh phí từ ngân sách địa phương; quy định theo hướng mở rộng hơn về loại dự án do trung ương quản lý.

Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015 tiếp tục triển khai theo chiều sâu và diện rộng các nội dung hỗ trợ phát triển TSTT đã triển khai trong giai đoạn 2005-2010. Đồng thời, mở ra những hoạt động mới, những hướng đi mới, tạo điều kiện hỗ trợ ngày một thiết thực hơn từ phía Nhà nước tới các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển TSTT, góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống SHTT, đồng thời phát triển và khai thác ngày một tốt hơn các tài sản trí tuệ của Việt Nam./.

Liên Cơ
Follow Ven.vn (lntkhanh)
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication