» Today: 25/04/2024
Agriculture
Làm giàu... nhờ trồng rau mầm
Theo chân ông Lê Văn Lớn, phó chủ tịch Hội nông dân xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM, chúng tôi đi tham quan cơ sở trồng rau mầm trên nền đất cứng rộng 1.200 m2 của ông Nguyễn Ngọc Ngoan.


Qua khỏi một chiếc cầu nhỏ bắc qua con mương, đập vào mắt chúng tôi là hai dãy nhà lợp lá dừa dài hun hút, ít ai nghĩ rằng bên trong đang hiện hữu một nhà xưởng chuyên sản xuất rau mầm cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Ngoan cho biết: “Lúc đầu tôi cũng đi mua hộp xốp, cây sắt về làm kệ, mua hạt rau mầm về trồng. Qua quá trình trồng thử nghiệm, tôi thấy nhiều điểm không hợp lý, hơn nữa đất nhà mình rộng, tại sao mình không trồng trực tiếp trên nền đất mà phải mua dụng cụ cho tốn kém?”. Nghĩ là làm, ông quyết định chuyển sang trồng rau mầm trên nền đất cứng. Nhờ chịu khó cần cù, chăm sóc đúng kỹ thuật, rau phát triển tốt đến tận bây giờ.

Ông Ngoan cho hay, trồng rau mầm theo phương pháp này đơn giản, đáp ứng được số lượng rau mầm lớn để cung cấp cho thị trường. Hiện nay gia đình ông mỗi ngày cắt từ 150 - 300 kg rau mầm cung cấp cho chợ đầu mối Bình Điền, từ chợ này mối lại chuyển đi các siêu thị CoopMart, Metro, Maximart…

Về kỹ thuật, ông Ngoan chia sẻ như sau.

- Chuẩn bị hạt: hạt đậu xanh, đậu nành, đậu đen, đậu phộng, hạt hướng dương, các loại hạt cải, hạt rau muống… đều có thể trồng được. Muốn trồng rau mầm trên nền đất cứng đạt năng suất cao, chất lượng tốt, người trồng rau phải biết một số kiến thức cơ bản, đặc biệt phải biết xử lý nguồn nước thật tốt, có thể xử lý bằng vôi cục tỷ lệ 2 phần ngàn, sau đó xử lý lại bằng phèn chua (xử lý theo cách dân gian).

- Nhà trồng rau mầm: nền phải chọn nơi cao ráo, thoát nước, không bị ngập úng về mùa mưa, mặt nền đầm cứng, san phẳng. Có thể làm nhà hai mái chiều rộng từ 8 - 10 m, chiều dài 40 - 50 m; chiều cao 3,5 m, bên trên lợp lá dừa, hoặc lá mía, lợp tranh… Xung quanh hàng cột có che bạt để vừa che mưa vừa để lấy ánh sáng để cho rau quang hợp.

 - Xử lý hạt: nếu trồng vào mùa lạnh, ngâm hạt theo cách truyền thống, pha nước 2 sôi + 3 lạnh (nhiệt độ từ 50 - 540C). Nếu trời nóng, ngâm nước lạnh, không cần pha nước sôi. Cho hạt mầm vào ngâm 15 - 30 phút loại bỏ hạt lép, hạt sâu, hạt thối, sàng sảy chọn hạt đồng đều. Các loại hạt đậu, hạt cải, thời gian ngâm 4 giờ, vớt ra để ráo nước, cho vào bao ủ 20 giờ, khi hạt nảy mầm đều thì mang ra gieo, đối với hạt rau muống ngâm 12 giờ.

- Gieo hạt: có thể trồng trên nền gạch, nền xi măng hoặc nền đất đã đầm kỹ, san phẳng, chia nền nhà thành nhiều luống, chiều rộng có thể từ 1,4 - 1,6 m, chiều dài làm hết khổ đất, giữa hai luống có để lối đi rộng khoảng 50 cm tráng xi măng, để đi lại chăm sóc dễ dàng. Dùng bình bơm loại 8 lít phun sương trên mặt đất, rồi rắc một lớp vôi bột mỏng trên bề mặt, sau đó trải tấm nylon lên mặt luống, tiếp tục phun nước và rắc vôi bột, rắc một lớp xơ dừa đã xử lý sạch (độ dày từ 0,5 - 1 cm). Sau đó tiến hành gieo hạt, mật độ đông đặc (giống gieo mạ sân).

- Chăm sóc: sau khi đã gieo hạt, dùng bình phun nước cho ướt đều hạt mầm, ngày tưới 2 lần vào buổi sáng và chiều. Rau mầm trồng được 2 ngày dùng vòi hoa sen lỗ nhỏ để tưới. Ngày thứ 5 ngưng tưới và mở bạt xung quang nhà để rau quang hợp có màu xanh.

- Phòng trị bệnh: rau mầm là loại rau sinh trưởng ngắn ngày, không bị sâu bệnh, không cần sử dụng bất cứ một loại thuốc bảo vệ thực vật hay chất kích thích nào. Tuy nhiên cần vệ sinh trong và ngoài trại sạch sẽ, nguồn nước không bị ô nhiễm, khu vực trồng phải khô ráo, thoáng mát.

- Thu hoạch: các loại rau mầm hạt cải tưới nước liên tục 5 - 6 ngày là thu hoạch. Nếu trồng hạt rau muống thì 7 ngày là thu được, lấy tay nhấc cụm rau lên, dùng dao lam chuyên dụng để cắt bỏ mặt gốc rễ, rồi xếp vào hộp nhựa bỏ vào tủ lạnh, chiều tối chở ra cân cho chợ đầu mối.

Ông Ngoan tâm sự: “Tôi đã trồng rau mầm được 4 năm rồi, từ hồi trồng tới giờ chưa bao giờ  bị mối chê rau trả về. Trồng rau mầm còn dễ hơn làm giá, chăm sóc rất đơn giản, mặt bằng rộng, rau được quang hợp tốt, hiệu quả kinh tế rất cao. Nếu so sánh với trồng rau mầm trong khay, trên kệ (đối với hạt rau muống) thì 1 kg hạt rau muống thu hoạch được 3 kg; 1 kg hạt rau muống trồng trên nền đất sẽ thu hoạch được trên 6 kg, năng suất cao gấp 2 lần. Nếu giá bán rau mầm cải củ thời điểm này là 37.000 đ/kg và mầm rau muống là 70.000 đ/kg (giá bỏ cho siêu thị), thì 1 ngày trừ chi phí gia đình tôi cũng thu được từ 3 - 4 triệu đồng”.

Phó chủ tịch Hội nông dân xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, ông Lê Văn Lớn cho biết: “Mô hình trồng rau mầm của ông Nguyễn Ngọc Ngoan, là mô hình sản xuất và cung cấp rau mầm lớn nhất nhì TP.HCM, làm ăn rất hiệu quả, đây cũng là điểm trình diễn để nông dân trong và ngoài xã tới thăm quan và học hỏi kinh nghiệm”.

Theo kinh nghiệm của ông Ngoan, trước khi thu hoạch 1 ngày, ngưng tưới nước, khi cắt rau phải dùng quạt hoặc máy thổi để cho rau khô ráo, mục đích để giảm nhiệt độ của cây rau. Sau đó cắt rau xếp vào hộp nhựa có đục 3 lỗ để thông hơi, cho vào tủ lạnh ngay (ngăn mát), tối mang đi cân cho chợ đầu mối. Bảo quản theo cách này, rau mầm để được 3 ngày. Đặc biệt, rau mầm được trồng trên nền đất có diện tích lớn, sẽ đảm bảo được tính liên tục. Rau mầm được quang hợp mạnh, sinh trưởng tốt, ngày nào cũng có rau để bán.

Hiếu Cầu
Follow Khoahocphothong (htthanh)
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication