» Today: 29/03/2024
Industry
Chiết xuất tinh dầu trầm – Tiềm năng đến đâu?
Đây là kết quả sau 2 năm triển khai dự án nghiên cứu và phát triển “Thiết bị chiết tách tinh dầu trầm hương phương pháp CO2 siêu tới hạn (SCO2)” với số vốn đầu tư 1,4 tỷ đồng.


Dự án trên do  anh Mai Thành Chí thuộc Viện Công nghệ hóa học làm chủ nhiệm và đã được Hội đồng nghiệm thu của Sở đánh giá cao về khả năng thu hồi vốn cũng như chuyển giao công nghệ, thiết bị.

Chiết xuất tinh dầu trầm chất lượng cao

Với 3 tấn nguyên liệu, tùy theo chất lượng có thể chiết suất được từ 1 – 3 lít tinh dầu, tuy nhiên anh Chí cho biết thiết bị chưng cất tinh dầu theo phương pháp SCO2 (CO2 siêu tới hạn (SCO2)  là CO2 hóa lỏng đến một áp suất nhất định mà  nếu tăng dần nhiệt độ lên nó cũng không thể trở về trạng thái khí) có thể chiết xuất được 60 – 70% thành phần tinh dầu có trong nguyên liệu, nâng cao chất lượng tinh dầu so với biện pháp chiết xuất lôi cuốn hơi nước.

Là người đi đầu trong việc thực hiện phương pháp này ở quy mô nhỏ trên một thiết bị của Mỹ cách đây khoảng 4 – 5 năm, GS Đinh Xuân Bá, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học Secoin khẳng định, SCO2 là một phương pháp chiết xuất hiệu quả, tuy nhiên cái khó nằm ở việc điều chỉnh các tham số kỹ thuật và cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn thiết bị.

GS Bá cũng là người cung cấp tinh dầu trầm thường xuyên ra thị trường nước ngoài, ông cho biết giá tinh dầu chênh lệch phụ thuộc vào chất lượng và công nghệ chưng chất, giá thấp nhất 2.500 USD/lít và cao nhất là 23.000 USD/lít. Hiện nay, số tinh dầu mà anh Chí chiết được từ thiết bị đã được bán ra với giá từ 7.000 USD đến 10.000 USD.

Tuy nhiên, GS Đinh Xuân Bá nhận định, phương pháp CO2 siêu tới hạn có thể giúp “hiệu suất tăng lên 120% nhưng khách hàng có thể giảm 20% vì người mua không cần chất lượng tinh dầu ở mức đó”. Nhu cầu về chất lượng tinh dầu trầm trên thị trường thế giới cũng rất đa dạng. Khách hàng Ả Rập Xê Út thì chỉ cần mùi hương, còn khách hàng Pháp yêu cầu cả bản phân tích thành phần tinh dầu.

Người làm trầm chưa cùng bắt tay

Liệu nguồn nguyên liệu đầu vào có đủ cung ứng cho chiết tách tinh dầu quy mô lớn với thiết bị mới hay không, trả lời vấn đề này, anh Mai Thành Chí khẳng định hiện nay, nguồn nguyên liệu cây dó bầu cho trầm đã ổn định.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn trong lĩnh vực này, hiện nay, cả nước  có khoảng 15 triệu cây dó bầu thế nhưng chỉ có thể tính đến hiệu quả kinh tế khi đảm bảo được sự phát triển và cho trầm ổn định của số cây này.

Kết quả tạo trầm của một số chủ trang trại ở Thái Lan mà GS Đinh Xuân Bá giới thiệu khiến người xem ngỡ ngàng, trầm hương hình thành lõi to bên trong thân và tỏa ra cả nhánh con. So với trầm nhân tạo của nước bạn, kết quả trong nước vẫn còn cách biệt quá xa với những vệt trầm rải rác trong thân.

Trầm quý như vàng nên không lạ khi người nông dân nhìn thấy ở đó thời cơ làm giàu, thế nhưng trước sự nôn nóng đó, GS Đinh Xuân Bá cho rằng “không nên phát triển quá nóng, như vậy chỉ có lợi cho doanh nghiệp bán giống, cấy trầm mà thôi” và những doanh nghiệp này “nên biết chịu thiệt về mình trước”, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu trước khi cung cấp đến người dân.

 

Chi Giao
Follow http://khoahoc.baodatviet.vn (nnhanh)
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication